Trong lĩnh vực nông nghiệp, ngành thức ăn chăn nuôi (TACN) đang thu hút mức đầu tư cao từ cả trong và ngoài nước. Đồng thời, ngành này cũng đang có mức độ hội nhập quốc tế sâu rộng, với hơn 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trao đổi buôn bán về công nghệ, thiết bị và nguyên liệu.
Theo báo cáo gần đây, quy mô thị trường TACN toàn cầu đã đạt 482,1 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ đạt 589,4 tỷ USD vào năm 2027, với mức tăng trưởng hàng năm (CAGR) ước tính là 3,5% trong giai đoạn 2022-2027. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển vững chắc của ngành này trong tương lai gần.
Với tiềm năng phát triển và sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ, ngành TACN Việt Nam đang có cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra thị trường quốc tế. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, mà còn góp phần nâng cao vị thế và danh tiếng của ngành nông nghiệp Việt Nam trên sân chơi toàn cầu. AMI Land thông gia bài viết này sẽ giới thiệu cho quý nhà đầu tư về quy trình và thủ tục thiết lập một nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Điều kiện cần và đủ để xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi
Căn cứ Điều 38 Luật Chăn nuôi và Điều 9 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP, cùng các kinh nghiệm thực tế của các quản lý dự án nhà máy cám, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các yếu tố sau:
Giấy phép kinh doanh
Đây là điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần chuẩn bị trước khi triển khai quy trình đầu tư xây dựng nhà máy cám, nhà máy thức ăn chăn nuôi. Giấy phép này như một “tấm vé thông hành”, chứng minh nhà máy sản xuất đúng luật. Và mọi sản phẩm doanh nghiệp bạn tạo ra đều được pháp luật bảo hộ.
Để làm hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh trong ngành này, bạn cần có:
- Đơn đề nghị cấp phép theo mẫu của cơ quan có thẩm quyền
- Bản thông tin chi tiết chứng minh bạn có đủ điều kiện để sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt yêu cầu theo Điều 38 Luật Chăn nuôi. Cụ thể, nội dung trong bản kế hoạch này cần cung cấp đầy đủ các thông tin sau:
- Mô tả vị trí của nhà máy sản xuất đảm bảo an toàn, không ô nhiễm
- Thiết kế khu vực sản xuất và hệ thống dây chuyền sản xuất đạt chuẩn
- Thông tin đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn
- Các biện pháp bảo quản nguyên vật liệu và sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh
- Phương án xử lý chất thải đạt chuẩn, chống ô nhiễm môi trường…
- Bản mô tả chi tiết về quy trình sản xuất
- Bản mô tả quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm đầu ra.
- Giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm và một số thông tin khác.
*Lời khuyên cho bạn: Muốn được xét duyệt nhanh, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến của các chuyên viên tư vấn luật để chuẩn bị đầy đủ thông tin trước khi nộp hồ sơ.
Vốn đầu tư xây dựng
Chuẩn bị nguồn vốn dồi dào sẽ giúp bạn luôn chủ động trong mọi tình huống. Tùy vào quy mô, mục tiêu của từng công trình xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mà mức vốn đầu tư sẽ khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý phân bổ nguồn vốn của mình một cách hợp lý từ khâu xây dựng cho đến lúc vận hành, tránh tình trạng nhà máy xây dựng xong thiếu vốn không thể đi vào sản xuất.
Cụ thể, bạn buộc phải chuẩn bị nguồn vốn để duy trì các hoạt động sau:
- Vốn để xây dựng nhà máy (phí khảo sát, thuê mặt bằng, thiết kế, thi công…)
- Nguồn vốn để mua sắm, lắp đặt trang thiết bị và thiết lập tiêu chuẩn đánh giá chất lượng
- Nguồn vốn vận hành (nhập nguyên vật liệu sản xuất, trả lương nhân sự, xử lý chất thải, phí marketing…)
- Một số chi phí khác như phí bảo hiểm xây dựng, phí kiểm soát, phí kiểm tra tính khả thi của dự án…
Lưu ý cho bạn: Trong quá trình xây dựng nhà máy luôn có rất nhiều khoản phí phát sinh khác. Nếu không có nguồn vốn dự phòng đầy đủ, các phí phát sinh này có thể làm gián đoạn hoặc ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vì vậy, tốt nhất là bạn nên lựa chọn các nhà thầu xây dựng trọn gói để giảm tải áp lực kinh tế.
Mặt bằng sản xuất
Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đòi hỏi rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm cho vật nuôi. Do đó, ngoài diện tích xây dựng, bạn cần chú ý lựa chọn vị trí mặt bằng không nằm trong vùng bị ô nhiễm, nhiều chất thải – hóa chất độc hại.
Kỹ thuật sản xuất đạt chuẩn
Bạn cần chuẩn bị đầy đủ các kỹ thuật từ khâu lên khẩu phần thức ăn cho từng loại gia súc/gia cầm, cho tới các kỹ thuật chọn nguyên liệu chất lượng cao, công đoạn xay nghiền, trộn bột cám và nén viên thức ăn, đóng gói và bảo quản… Tất cả các kỹ thuật này cần có quy chuẩn rõ ràng để nhà máy sẵn sàng triển khai đồng bộ, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao trong quá trình sản xuất.
Quy trình đầu tư xây dựng nhà máy cám và thức ăn chăn nuôi
Nghiên cứu thị trường, xác định mục tiêu và lập kế hoạch chi tiết
Hiểu rõ nhu cầu, thách thức và triển vọng của thị trường sẽ giúp bạn đặt mục tiêu sát sao về quy mô, năng suất và lập kế hoạch xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi hiệu quả.
Theo nghiên cứu mới nhất của Vietnam Report – Công ty chuyên báo cáo đánh giá xếp hạng các sản phẩm/dịch vụ và các doanh nghiệp tại Việt Nam, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt là sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Nói cách khác, sự phát triển của nhà máy chịu tác động rất lớn từ biến động thị trường nguyên liệu quốc tế. Vì vậy, khi lập kế hoạch xây dựng nhà máy cám, nhà máy thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp cần có thêm nguồn cung dự phòng để giảm sự phụ thuộc vào một số nguồn cung nhất định và chủ động xử lý khi nguồn cung khan hiếm.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đối thủ cùng ngành cũng yêu cầu doanh nghiệp chú trọng thiết kế các giải pháp đổi mới sáng tạo để tạo ra lợi thế cạnh tranh độc đáo cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, bản kế hoạch của bạn cũng cần phân bổ nguồn vốn để xử lý các tình huống bất ngờ như thiên tai, dịch bệnh, rủi ro từ các chuỗi cung ứng…
Thiết kế bản vẽ kỹ thuật và xin giấy phép xây dựng
Nếu như giấy phép xây dựng là “tấm vé thông hành” đảm bảo bạn xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi đúng pháp luật thì bản vẽ kỹ thuật là “linh hồn” của công trình nhà máy đó. Những tiêu chuẩn trong bản vẽ là căn cứ giúp việc thi công nhà máy hiệu quả, an toàn. Đồng thời, đây cũng là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh cho bạn.
Khi lập bản vẽ kỹ thuật, bạn cần đưa ra đầy đủ các nội dung:
- Bố trí các phòng ban hợp lý, tạo nên một hệ thống sản xuất khép kín và hiệu quả cao
- Hệ thống chiếu sáng phù hợp để phục vụ cho các khu vực làm việc
- Thiết kế hệ thống điện đảm bảo ổn định và hiệu quả trong hoạt động sản xuất.
- Hệ thống an toàn cháy nổ (PCCC) và hệ thống thoát hiểm để đảm bảo an toàn tuyệt đối trong trường hợp có nguy cơ cháy nổ hoặc tình huống khẩn cấp.
- Hệ thống dây chuyền sản xuất tuân thủ các tiêu chuẩn vận hành khoa học, thân thiện với môi trường và đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm ISO 22000.
- Hệ thống trang thiết bị cấp thoát nước, hệ thống thông gió và xử lý chất thải công nghiệp cần thỏa mãn các tiêu chuẩn ISO 22000:2018 và HACCP. Và một số yêu cầu quan trọng khác.
Thi công xây dựng và lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị
Trong quá trình thi công và lắp đặt máy móc, bạn có thể phối hợp với các nhà thầu để đảm bảo công trình nhà máy được xây dựng và lắp đặt khoa học, hợp lý, tinh gọn, dễ sử dụng và có tính thẩm mỹ cao theo yêu cầu bản kế hoạch chi tiết.
Kiểm tra và nghiệm thu công trình
Bên cạnh việc nghiệm thu công trình theo các hạng mục đã thỏa thuận, việc vận hành chạy thử nhà máy là cần thiết để kiểm định chất lượng công trình một cách chính xác. Từ đó sớm phát hiện các hạng mục sai lệch cần điều chỉnh bổ sung.
Ngoài ra, hãy chú ý các kiểm định chất lượng máy móc, hệ thống bảo quản nguyên vật liệu và sản phẩm đầu ra… Đừng quên các chính sách bảo hành, hỗ trợ để an tâm về công trình trong quá trình vận hành.
Vận hành nhà máy
Khi nhà máy hoàn thiện, bạn tiến hành nhập nguyên vật liệu và triển khai sản xuất theo kế hoạch. Chú ý phối hợp với nhà thầu để thường xuyên kiểm tra, bảo trì máy móc, giúp khai thác hiệu quả sản xuất đến mức tối đa.